Mô tả: Năm 1901, R. Tagore cho ra đời tiểu thuyết Chokher Bali, viết bằng tiếng Bengali. (Năm 1914 tác phẩm được dịch ra tiếng Anh với tên gọi Đau mắt; đến năm 1959 qua bản dịch của Krishna Kripalani, được đổi thành Binodini). Sự ra đời của tác phẩm, đã gây được sự chú ý của đông đảo công chúng nhờ khả năng phân tích tâm lý tinh tế, sắc sảo của R. Tagore. Nhiều nhà nghiên cứu đã xem đây là “tác phẩm đầu tiên và là hay nhất” viết về tâm lý phụ nữ trong văn học Bengal (Humayun Kabir), là “sự bắt đầu con đường mới” cho văn xuôi Ấn Độ (Bhabani Bhâttcharya).
Vấn đề đặt ra trong tác phẩm là số phận của những người phụ nữ trẻ, goá bụa, luôn mang trong mình khát vọng cháy bỏng về tình yêu hạnh phúc, mà Binodini là một điển hình. Khao khát yêu, khao khát sống và luôn ý thức được nhan sắc, phẩm giá của mình nhưng Binodini lại phải cam chịu những bất hạnh và cả sự nhục nhã như một thứ định mệnh nghiệt ngã. Những tập tục lạc hậu ăn sâu trong tiểm thức xã hội, tình trạng tê liệt ý thức phản kháng của số đông dân chúng như một thứ hôn mê đã len lỏi vào trong tâm hồn, tính cách của mỗi người. Binodini đơn độc vẫy vùng trong tuyệt vọng. Nàng muốn nổi loạn, muốn đi theo tiếng gọi của lòng mình, nhưng không thể. Bi kịch của Binodini, vì vậy, được xem như một tất yếu.
Rõ ràng đây là một vấn đề không mới. Hay nói khác đi, sức cuốn hút của tác phẩm không phải ở vấn đề đặt ra trong tác phẩm, mà ở cách xử lý vấn đề, đặc biệt là khả năng phân tích tâm lý của nhà văn. Ông đã không chú ý nhiều đến các chi tiết, sự kiện, hay khái quát hơn là những biểu hiện bên ngoài, từ thiên nhiên cho đến hành động, tính cách nhân vật. Tất cả đều được nội cảm hoá. Tâm lý nhân vật trở thành trung tâm cho mọi kiếm tìm, giải mã. ở đó có cả một “hiện thực tinh thần” như cách nói của ông. Những vấn đề đạo đức xã hội đã được chuyển thành những vấn đề tâm lý, nhân cách cá nhân, cá tính. Sự nghiệt ngã, lỗi thời, trái tự nhiên của những tập tục, những quan niệm xã hội và khát vọng sống của con người thời đại đã được nhận thức qua thế giới tinh thần của nhân vật. Có thể xem đây là một sự thể nghiệm thành công tiểu thuyết dòng ý thức mà trước đó chưa từng được biết đến trong văn xuôi Ấn Độ.
Trích "Tiếp xúc Đông Tây và sự khởi đầu của tiểu thuyết hiện đại Bengal"
PGS.TS. Nguyễn Văn Hạnh
"Nếu bạn muốn bay, hãy từ bỏ những thứ đè nặng bạn. - Toni Morrison"